Vĩnh Phúc: Đã có trên 77% người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt
29/11/2024 04:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tiến độ thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân. Tính đến ngày 29/11/2024, tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân toàn tỉnh đạt 77,3% (tương ứng với 32.932 người) trên tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn.
Hình ảnh hướng dẫn người dân làm thủ tục nhận lương hưu qua tài khoản
Chủ trương chi trả tiền lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt (KDTM) được Chính phủ chỉ đạo, BHXH Việt Nam triển khai xuyên suốt từ nhiều năm triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06). Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản và đã mang lại kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm 2024, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng BHXH huyện, thành phố; phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, thành phố để triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tại Thông báo Kết luận giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 10/2024 số 3560/TB-BHXH ngày 08/10/2024 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Công văn số 4582/BCĐCQTT (CAT) ngày 30/10/2024 của Ban Chỉ đạo đề án 06 tỉnh Vĩnh Phúc về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt; chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tập trung toàn lực, phối hợp với Công an, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, cấp xã, Ngân hàng tổ chức vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương thức thanh toán KDTM, tập trung cao điểm vào thời gian chi trả lương hưu hàng tháng. Phối hợp với Tổ giúp việc Đề án 06 cấp huyện, cấp xã, Công an huyện, Công an xã để huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện; huy động các thành phần nòng cốt như công chức văn hóa - xã hội cấp xã, cán bộ Bưu điện, Công an cấp xã…tham gia hỗ trợ tuyên truyền tới từng địa bàn Tổ dân phố, khu dân cư, người thụ hưởng BHXH để vận động, hướng dẫn người hưởng chế độ qua phương thức thanh toán KDTM.
Đồng thời, giao chỉ tiêu vận động cho từng cán bộ, viên chức để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lựa chọn ngân hàng, đăng ký mở tài khoản tại các điểm chi trả đảm bảo thuận lợi nhất. Tổ chức các đợt tập trung tuyên truyền, vận động cao điểm từ 05/11/2024 đến hết tháng 11/2024 đến toàn bộ người hưởng; trong đó, BHXH yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả theo từng ngày và kế hoạch triển khai ngày tiếp theo. Trên cơ sở đó, các đơn vị thường xuyên tổ chức rà soát lại từng địa bàn, điểm chi trả để xác định rõ từng người chưa đăng ký hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương thức thanh toán KDTM để phối hợp với BCĐ xã, Công an xã, Ngân hàng, từ đó xây dựng kế hoạch vận động tới từng nhà với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động từng người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương thức thanh toán KDTM.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với người hưởng đảm bảo nhanh gọn, an toàn, chính xác. Đối với cơ quan BHXH tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý, tiến độ thực hiện, giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý người hưởng theo xu hướng chuyển đổi số.
Tuy nhiên, quá trình vận động chuyển đổi hình thức chi trả không dùng tiền mặt còn gặp khó khăn đối với những người thụ hưởng đã cao tuổi, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, đã quen sử dụng tiền mặt; nhiều người chưa hiểu rõ tính năng, tiện ích của việc thanh toán KDTM nên chưa sẵn sàng chuyển đổi. Bên cạnh đó, tại địa bàn một số huyện, xã vẫn còn thiếu máy ATM rút tiền tự động, hoặc có nhưng khoảng cách quá xa, người lớn tuổi đi lại khó khăn. Đây cũng là một trong những bất cập khiến nhiều người hưởng lương hưu vẫn còn băn khoăn với hình thức này.
Để tăng cường hiệu quả thực hiện, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2024, toàn tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu 100% người hưởng nhận lương qua tài khoản cá nhân. Theo đó, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp rà soát, phân loại người hưởng để có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ mở tài khoản phù hợp. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Công an tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả quy trình triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục làm sạch các dữ liệu chưa đồng bộ, phối hợp với các sở, ban, ngành quan tâm tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.
Hương Lan - Phòng Truyền thông
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Các công việc chuẩn bị cho sự ra đời của BHYT
Bản tin Audio số 34 - Tuần 3 tháng 10/2024
Bạn thường tìm hiểu thông tin về BHXH ở đâu?